Tọa đàm giải cứu ngành chăn nuôi lợn

Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, giá thịt lợn hiện nay đang xuống rất thấp với giá 25.000 đồng/kg và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, đang gây rất nhiều khó khăn cho người chăn nuôi lợn cả nước, kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế, xã hội.

Trước tình hình đó, ngày 24.4, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã có buổi gặp gỡ và họp với 30 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến gia súc nhằm tìm các giải pháp khẩn cấp để giải cứu ngành chăn nuôi lợn…

Để cụ thể hóa các nội dung trên, sáng nay 28.4, Bộ NNPTNT phối hợp Báo NTNN/Báo điện tử Dân Việt tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Giải cứu ngành chăn nuôi lợn”.

Buổi tọa đàm có sự tham dự của:

1. Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

– Ông Tống Xuân Chinh- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi.

– Ông Phạm Văn Duy- Trưởng Phòng Gia cầm và gia súc nhỏ, Cục Chăn nuôi

– Ông Dương Tiến Thể- Phó Cục trưởng Cục Thú y

– Ông Nguyễn Ngọc Tiến- Trưởng Phòng Dịch tễ, Cục Thú y

– Đại diện Văn phòng Bộ Nông nghiệp và PTNT

2. Đại diện các doanh nghiệp:

– Ông Nhữ Đình Tú- Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lebio

– Ông Ngô Thành- Tổng Giám đốc Công ty ABC Global

Cùng đại diện của: Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, một số hộ chăn nuôi lợn, các cơ quan thông tấn báo chí.

9h00

Lãnh đạo báo nông thôn
Đại diện lãnh đạo Báo Nông thôn Ngày nay giao lưu tặng hoa cho đại diện các khách mời

9h10

Bạn đọc từ email letuanquang***@yahoo.com có hỏi: Xin được hỏi lãnh đạo Cục Chăn nuôi. Theo bà con có phản ánh, một trong những nguyên nhân làm giá lợn giảm quá sâu như hiện nay là do số đầu lợn quá lớn. Cục Chăn nuôi có số liệu thống kê nào về đầu lợn hiện nay?

Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NNPTNT) trả lời:

Chúng tôi rất chia sẻ với bà con chăn nuôi trong cuộc khủng hoảng giá lợn này. Tuy nhiên, đánh giá về khủng hoảng, cần nhìn nhận một cách tổng thể. Năm 2016, chúng ta đã tăng tổng đàn lợn lên tới 29 triệu con, cộng thêm hệ số quay vòng của đàn lợn. Nên tổng lợn đưa vào giết mổ vào khoảng 51 triệu con, tính bình quân là trên 50kg hơi/người. Đây là số lượng thịt rất lớn. Tình hình phát triển nóng của đàn lợn đã vượt khỏi sức tiêu thụ của thị trường trong nước. Trong khi vấn đề xuất khẩu chính thức thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ lợn còn gặp nhiều khó khăn. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến đợt giảm giá sâu như vừa rồi. Hiện nay chúng ta đang phải dựa vào số liệu thống kê của năm 2016, chia làm hai đợt là 1.4 và 1.10. Theo các chỉ số thống kê của năm 2016, đầu lợn đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong năm vừa rồi.

Ông tống xuân chinh
Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NNPTNT)

nông dân
Có rất đông các khách mời là bà con nông dân – chủ những trang trại lợn trên khắp cả nước đã tới dự tọa đàm

9h15

ong-duong-tien-the
Ông Dương Tiến Thể – Phó Cục trưởng Cục Thú y

Một nông dân ở Hưng Yên hỏi: Việc Trung Quốc hạn chế nhập khẩu thịt lợn của chúng ta đã phần nào gây dư thừa lợn hơi, giá lợn giảm sâu, người chăn nuôi lợn khó khăn điêu đứng như hiện nay. Vậy Nhà nước và Bộ NNPTNT có thể đàm phán với Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu thịt lợn cho người chăn nuôi Việt Nam được không?

Ông Dương Tiến Thể – Phó Cục trưởng Cục Thú y trả lời: Hiện, Việt Nam và Trung Quốc chưa có thỏa thuận xuất khẩu lợn chính thức. Tuy nhiên, những năm gần đây Việt Nam vẫn xuất khẩu theo con đường tiểu ngạch. Theo thống kê, năm 2016, Việt Nam có tổng số 4,170 triệu con lợn, trong đó đàn lợn sữa chiếm hơn 3 triệu con, còn lại là lợn thương phẩm. Số lượng lợn xuất sang Trung Quốc so với tổng đàn hơn hiện nay chiếm chưa đến 10%, và số lợn xuất khẩu sang nước họ đa phần là lợn nhỏ, lợn sữa. Có thể thấy rằng, thị trường tiêu thụ chính vẫn là trong nước. Để ký kết hợp đồng xuất khẩu lợn, giữa Việt Nam Trung Quốc xuất phải có lộ trình cụ thể.

9h20

Bạn đọc có số điện thoại 09020289** có hỏi: Tại sao không dự báo được giảm giá này, trước đó Bộ NNPTNT đã có cảnh báo nào tới người chăn nuôi?

Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NNPTNT) trả lời: Cục chăn nuôi là cơ quan chuyên môn và tham mưu cho Bộ NNPTNT về lĩnh vực này. Bộ NNPTNT cũng đã có chỉ đạo rất sát sao. Ngay tháng 12.2016, chúng tôi đã báo cáo với Bộ, và có công văn về hỗ trợ phát triển ổn định chăn nuôi lợn, trong đó đưa ra 8 giải pháp kiểm soát tốc độ phát triển đàn lợn quá nóng, và có gửi công văn cho các UBND xã phườnng, huyện, tỉnh thành. Nhưng tới được bà con vẫn còn một khoảng cách và thời gian nên dẫn tới chưa giải quyết được vấn đề.

9h25

Phát biểu tại tọa đàm, ông Dương Tiến Thể- Phó Cục trưởng Cục Thú y chia sẻ về tình hình xuất khẩu lợn sống và thịt lợn hiện nay

* Đối với xuất khẩu chính ngạch:

Hiện nay có 8 nhà máy giết mổ lợn sữa và lợn choai xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Hồng Kông, Malaysia (gồm có: 6 nhà máy giết mổ lợn sữa, lợn choai xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông; 02 nhà máy xuất khẩu lợn sữa sang Malaysia). Sản lượng thịt lợn xuất khẩu chính ngạch sang các nước khoảng 11.000 tấn/năm.

* Đối với xuất khẩu tiểu ngạch:

Mặt hàng lợn sống của Việt Nam từ trước đến nay không nằm trong danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu vào Trung Quốc. Việc buôn bán, vận chuyển, xuất bán lợn sống từ Việt Nam sang Trung Quốc là buôn bán tiểu ngạch, thực hiện qua hai bên cánh gà của các điểm thông quan thuộc khu vực các cửa khẩu, đường mòn, lối mở dọc biên giới giữa các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai,… của Việt Nam với Trung Quốc.

Theo số liệu sơ bộ của các Chi cục Kiểm dịch động vật vùng Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai: Năm 2016, tổng số lợn sống xuất bán qua Trung Quốc khoảng 4.170.000 con (gồm có: 743.000 con lợn thịt và 3.427.000 con lợn sữa).

9h30

ông-dương-tiến-thể
Ông Dương Tiến Thể – Phó Cục trưởng Cục Thú y 

Một nông dân ở Hưng Yên cũng gửi câu hỏi đến Toạ đàm, như sau: Trong khi thị trường nội địa đang dư thừa lợn hơi thì quý 1.2017, nước ta vẫn nhập khẩu hơn 7.000 tấn thịt lợn, góp phần làm căng thẳng thêm sự khó khăn của ngành chăn nuôi. Tại sao chúng ta vẫn cho nhập trong hoàn cảnh như vậy? Thịt lợn này nhập về để làm gì?

Ông Dương Tiến Thể – Phó Cục trưởng Cục Thú y trả lời: Đây là nhập khẩu theo thỏa thuận mà chúng ta đã ký trước đó, tuy có nhập khẩu nhưng không nhiều. Thịt lợn nhập khẩu đưa về Việt Nam được phân khúc ở thị trường cấp cao, ở các chợ dân sinh không bày bán các loại thịt lợn nhập khẩu này, mà chủ yếu tiêu thụ ở các hệ thống siêu thị, nhà hàng cấp cao. Ngành chăn nuôi lợn là một trong những thế mạnh của nông dân Việt Nam, trong quá trình giao thương, hội nhập giữa các nước, nước ta đã thỏa thuận với các nước khác nhập mặt hàng thịt lợn và với số lượng rất hạn chế.

9h40

Bạn đọc có tên Hoàng Linh ở Bắc Ninh có hỏi: Để giảm số đầu lợn đang dư thừa ở mức lớn như hiện nay, bà con chăn nuôi không thể giảm số đầu lợn nái, vì chi phí sẽ tăng lên. Vậy Bộ NNPTNT có giải pháp nào để giảm số đàn nái một cách khả thi và Nhà nước có chính sách gì để hỗ trợ những người chăn nuôi hay không?

Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NNPTNT) trả lời: Việc phát triển ổn định chăn nuôi lợn ở Việt Nam không phải bây giờ chúng tôi mới đưa ra, mà đã được xây dựng cụ thể trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp, trong hợp phần phát triển bền vững ngành chănn nuôi. Muốn giảm số lượng đầu lợn theo hướng bền vững, chất lượng thì phải giảm số đầu nái xuống, nâng cao hiệu quả chăn nuôi thông qua áp dụng khoa học kĩ thuật, chất lượng con giống.

Về mặt công nghệ và thức ăn công nghiệp, ở các nước phát triển, mỗi nái có thể sinh sản 28 – 30 con giống/năm. Tuy nhiên trong điều kiện chăn nuôi của Việt Nam, hệ thống sản xuất chủ yếu là nông hộ nên hiệu suất đàn nái vẫn đạt thấp. Hiệu suất lợn nái cả nước mới chỉ đạt được trung bình 13 con cai sữa/nái.

Để giảm đầu lợn nái còn xuất phát từ vấn đề tư duy, khoa học. So với chăn nuôi gà, chi phí cho 1 kg thịt lợn đang cao hơn, cụ thể để con lợn tăng được 1kg phải chi từ 2,2 – 2,4 kg thức ăn hỗn hợp tăng trọng, tuy nhiên với gà chỉ khoảng 1,9 kg. Đặc biệt vấn đề xử lý môi trường chăn nuôi lợn còn khó hơn gà.

Bộ NNPTNT đã có chỉ đạo giảm đàn nái xuống từ năm 2016. Chúng tôi cũng biết bà con nông dân muốn giảm đàn nái xuống sẽ rất tốn kém cho bà con, mỗi con sẽ bị thiệt hại từ 20 – 30 triệu đồng, tuỳ quy mô. Nhưng với tổng đàn nái lớn như hiện nay sẽ gây gánh nặng cho thị trường. Chúng tôi cũng phấn đấu rà soát, giảm đàn nái đến năm 2019 khoảng 3 triệu con.

9h42

tọa đàm chăn nuôi
Đã có rất nhiều câu hỏi được gửi về cho các khách mời

Ông Chinh cũng cho biết thêm, Cục Chăn nuôi cũng đã có nhiều khuyến cáo trước việc trong giai đoạn giá lợn hơi tăng cao, nhiều bà con đã không mua lợn giống để làm nái, mà sử dụng lợn thịt để chuyển sang làm nái, vì vậy chất lượng lợn nái sẽ kém. Do vậy, trong tình trạng khủng hoảng như thế này, bà con cũng phải chấp nhận rủi ro. Cần thực hiện kiểm soát đàn nái, nhất là các trang trại quy mô lớn, loại bỏ những con nái chỉ có 17 – 18 con cai sữa/năm để đưa vào những con có chất lượng tốt hơn từ 25 – 26 con cai sữa/năm. Ngay cả những con lợn đẻ ra, nếu trọng lượng nhỏ, hoặc yếu bà con cũng phải mạnh dạn loại thải, vì sức tăng trưởng của nó rất thấp. Thực hiện giảm đàn nái xuống, thông qua đó cũng giảm tổng đàn lợn xuống. Trung bình nếu giữ nuôi một con lợn nái lại sẽ tốn 1 tấn thức ăn công nghiệp, quy ra sẽ biết tốn bao nhiêu tiền.

9h47

Câu hỏi của chị Chu thị Kim Dung ở Thái Bình dành cho ông Tống Xuân Chinh và ông Ngô Trung Thành, Giám đốc ABC Global: Vì sao giá thịt lớn người nông dân bán ra chỉ là 10k/kg nhưng người thành phố vẫn phải mua với giá 100k/kgNghịch lý này xuất phát ở đâu? Khâu nào khiến nghịch lý xảy ra?

Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi trả lời: Không phải đến giờ con lợn mới là điển hình của tình trạng này. Chúng ta đã có nhiều ví dụ điển hình ở hàng nông sản, như khi được mùa thì mất giá.

Vấn đề đặt ra là ở Việt Nam là vấn đề phân chia lợi nhuận trong ngành thịt lợn chưa công bằng, chưa kiểm soát được.Mặc dù bà con nông dân bán lợn rất rẻ, có thể xuống đến 10k, 15k/kg nhưng chúng ta vẫn phải mua thịt với giá không giảm nhiều sau khi đã thành phẩm, giá thành rơi vào các khâu trung gian rất lớn mà không đi trực tiếp vào người sản xuất ra sản phẩm ấyChúng ta nên học tập mô hình thái lan, phải đưa ra tỉ lệ lợi nhuận cho chuỗi sản xuất thịt lợn như người sản xuất được hưởng ko quá 70 % giá trị gia tăng của sản phẩm, khâu trung gian được hưởng ko quá 30%. Chúng ta có thể áp dụng để bình đẳng hơn chuỗi giá trị.

9h50

Cũng lý giải về giá lợn, ông Ngô Thành – Tổng Giám đốc Công ty ABC Global thông tin: “Hiện tại nhu cầu xuất khẩu thực phẩm sang Trung Quốc rất lớn, trung bình 1 tuần chúng tôi vẫn xuất đi vài chục container, đau lòng là những sản phẩm đó không phải chúng tôi mua ở Việt Nam, mà chúng tôi phải mua sản phẩm ở nước ngoài như Đức, Hà Lan để xuất đi. Vấn đề ở cơ chế trung gian, thủ tục hành chính ở Việt Nam rất phức tạp, cộng chi phí rất cao.

Khoảng 2 – 3 năm trước Trung Quốc tiêu thụ rất nhiều lợn Việt Nam vì chăn nuôi của họ lâm vào đại dịch thiếu hụt nguồn cung lợn. Cuối năm vừa rồi, các nhà máy chăn nuôi của Trung Quốc đã bình ổn trở lại, nhu cầu nhập lợn hơi giảm đi nhiều.

Yếu tố thứ hai là giá thành lợn tại Trung Quốc không thay đổi, nhưng giá thành trung gian về xuất lợn ở Việt Nam đội lên quá nhiều. Ví dụ, vận tải có thể đội lên 3.000-5.000 đồng/kg, thêm giá qua biên cũng bị đội lớn. Trong khi đó, lợn Việt Nam hiện không phải là lựa chọn số 1, ở một số nước thuế suất nhập khẩu bằng 0. Hiện giờ, giá lợn Thái Lan, Hà Lan tại Trung Quốc vẫn ổn định, còn giá lợn Việt Nam đội lên quá cao vì khâu dịch vụ.

ông ngô thành
Ông Ngô Thành – Tổng Giám đốc Công ty ABC Global

9h55

Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết thêm:

Để góp phần ổn định ngành chăn nuôi, tôi vẫn cho rằng doanh nghiệp (DN) có vai trò quan trọng nhất, giữ vị trí tiên phong góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển, vì DN có tiềm lực kinh tế, có kiến thức thị trường, kiến thức đầu tư, họ là người giúp hệ thống quản lý Nhà nước đưa chính sách đúng với tình hình thực tế, đưa chính sách về với nông dân.

Trong cơ chế thị trường tự do, có những thời điểm chăn nuôi nông hộ phải co hẹp lại. Đối với điều kiện nước ta hiện nay, chăn nuôi nông hộ vẫn rất quan trọng, tạo sinh kế, thu nhập cho nông dân. Về chiến lược lâu dài chúng ta phải làm tốt quy hoạch, nhưng điểm yếu của chúng ta là không giám sát được quy hoạch, quy hoạch trên giấy là nhiều, do đó bây giờ chúng ta phải rà soát lại quy hoạch, xác định được đâu là vùng trọng điểm chăn nuôi, ở đâu hạn chế, ở đâu cấm.

Chúng ta cũng phải hỗ trợ DN tổ chức chuỗi liên kết nông dân, giải quyết đầu vào – đầu ra cho nông dân. Phát triển tổ đội sản xuất, và phải hoạt động dựa trên Luật DN để tạo ra sân chơi bình đẳng, tạo động lực cao cho người sản xuất chăn nuôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi.

Khi chuỗi giá trị vận hành khép kín từ trang trại đến bàn ăn, tôi tin chúng ta sẽ đủ năng lực để cạnh tranh không chỉ trong nước mà còn có thể cạnh tranh ngoài nước.

toa-dam-giai-phap-chan-nuoi
10h00

Một bạn đọc tên là Hoàng Thức đã gửi câu hỏi đến buổi Toạ đàm, như sau: Bộ NNPTNT và các cơ quan chức năng nói nhiều đến quy hoạch vùng sản xuất, nếu không thuộc vùng quy hoạch đó nông dân phải làm gì?Và việc quản lý các vùng quy hoạch sản xuất đó ra sao?

Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi trả lời: Đối với quy hoạch sản xuất tổng thể quốc gia, liên vùng, liên tỉnh thuộc trách nhiệm của Bộ, còn quy hoạch trong tỉnh, thành thuộc cơ quan thẩm quyền địa phương. Khi thực hiện quy hoạch phát triển một ngành hàng nào đó như lợn, gà, cá… thì cần nắm vững về thị trường, sản lượng, cân đối đầu tư từ hệ thống tư nhân, hệ thống công để thực hiện thành công quy hoạch. Vấn đề quy hoạch không khó, nhưng giám sát để thực hiện đúng như quy hoạch đã được phê duyệt thì đòi hỏi sự chung sức của cơ quan nhà nước, hiệp hội ngành hàng trong quá trình phát triển.

10h05

Bạn đọc Lê Thanh Nam đến từ Hải Dương hỏi: Hiện nay, một trong những nguyên nhân gây dư thừa lợn hơi là do chất lượng thịt lợn không ngon, miếng thịt lợn ăn nhiều khi nhạt nhẽo, thậm chí có mùi hôi tanh. Nhiều gia đình mua miếng thịt lợn về sợ thịt lợn tồn dư kháng sinh, chất cấm nên phải xử lý sục ozon. Vậy xin đại diện Cục Thú y cho biết tình trạng sử dụng kháng sinh, kích thích tăng trọng trên đàn lợn hiện nay như thế nào?

Ông Dương Tiến Thể – Phó Cục trưởng Cục Thú y Bộ NNPTNT: Hiện, đàn lợn (kể cả trong chăn nuôi truyền thống và công nghiệp) sử dụng rất ít kháng sinh do chất lượng con giống tốt và người chăn nuôi tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ. Nếu nói chất lượng thịt không tốt, không ngon do sử dụng kháng sinh tôi cho rằng tại thời điểm là không đúng.

Những năm gần đây, Bộ NNPTNT đã kiểm soát khá chặt chẽ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, việc thanh tra, kiểm tra được thực hiện quyết liệt và thường xuyên. Theo tôi, về việc bạn phản ánh có 2 nguyên nhân chính: Do người chăn nuôi tăng đàn nhanh quá, sử dụng 100% thức ăn công nghiệp nên chất lượng thịt lợn không ngon so với cách nuôi dân dã, truyền thống. Trước đây bà con hầu hết sử dụng giống lợn ta, áp dụng cách nuôi dân dã tuy năng sấp thấp, tỷ lệ mỡ nhiều, nhưng chất lượng thịt thơm ngon hơn hẳn so với cách nuôi công nghiệp.

10h10

Một bạn đọc đặt câu hỏi: Được biết Công ty Cổ phần Lebio vẫn mua lợn của dân và bản thân công ty cũng sản xuất lợn thảo dược, sinh học. Vậy doanh nghiệp có thể chia sẻ thêm về cách làm của công ty?

Ông Nhữ Đình Tú – Giám đốc Công ty CP Libeo chia sẻ: Chúng tôi nhận thấy giá lợn hiện tại đang tụt thê thảm như hiện nay, một trong những nguyên nhân chính là do chăn nuôi tự phát của bà con. Nhà nước có quy hoạch, nhưng bà con nuôi tự phát và nhà nước cũng không thể cấm bà con được. Bên cạnh đó, lâu nay chúng ta nuôi lợn để xuất khẩu theo tiểu ngạch là chính. Hiện tại, Trung Quốc đã ngừng nhập tiểu ngạch. Có khi nào chúng ta đặt câu hỏi tại sao?

Liệu rằng quy trình sản xuất thịt lợn của chúng ta đã đảm bảo tiêu chí về chất lượng, giá cả có hợp lý, cái thứ ba là thủ tục pháp lý có vấn đề gì không? Đơn vị chúng tôi có nhận định được vấn đề này từ trước, chúng tôi đã xin phép thành lập chuỗi chăn nuôi từ trang trại đến bàn ăn. Áp dụng công nghệ cao, giảm giá thành đầu vào, chất lượng đầu ra tăng lên 1 bậc. Khi chăn nuôi nói không với kháng sinh, hoàn toàn dùng công nghệ sinh học để phòng, chữa bệnh trong chăn nuôi, thì chất lượng sản phẩm rất tốt.

Hiện chúng tôi sản xuất 1kg lợn hơi giá chỉ 27.000 – 28.000 đồng/kg, trong khi thu mua cho bà con là 35.000 đồng/kg. Hiện, một ngày chúng tôi tiêu thụ gần 200 con lợn. Điều quan trọng, chúng tôi chứng minh được cho người tiêu dùng từ khâu nghiên cứu, đến chăn nuôi, có sự giám sát của cơ quan Nhà nước, giúp người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc.Chúng tôi không tiêu thụ thịt nóng trong ngày, mà tuyên truyền cho người dân sử dụng thịt cấp đông, việc này bình ổn được giá, kiểm soát được cung cầu. Đến giờ, chúng tôi đã phần nào thuyết phục được niềm tin của người tiêu dùng, uy tín trên 20 tỉnh thành rất tốt.

ông tống xuân chinh
10h15

Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NNPTNT) bổ sung thêm trả lời của ông Nhữ Đình Tú – Giám đốc Công ty CP Libeo:

Khẳng định với bà con, văn hoá ẩm thực của người Việt Nam, sau nhiều năm có nền kinh tế hội nhập, chúng ta vẫn ăn thịt tươi, thịt nóng nhiều. Về mặt cảm nhận, thịt nóng tốt hơn so với thịt đông lạnh, về mặt khoa học không phải là một hình thức tiêu hoá văn minh. Tất cả các loại thịt đều được giết mổ tại các cơ sở được cấp phép đảm bảo vệ sinh an ninh thực phẩm, làm mát, cấp đông đúng tiêu chuẩn như sau khi giết mổ sẽ được làm lạnh, sau 12 giờ sẽ đưa vào cấp đông.

Quá trình làm lạnh, các loại peptit dài trong protein sẽ được cắt ra thành từng đoạn ngắn, cơ thể con người sẽ dễ dàng tiêu hoá hơn. Về lâu về dài, phải tuyên truyền cho người tiêu dùng biết được lợi ích của tiêu dùng thịt đông lạnh, thịt làm mát. Tăng cường hệ thống giết mổ, bảo quản của Việt Nam đáp ứng được giai đoạn phát triển như hiện nay

Tiếp tục bàn luận về việc đưa lợn hơi đi xuất khẩu sang Trung Quốc cũng như một số thị trường khác, ông Phạm Ngọc Lâm – Giám đốc miền Bắc hệ thống INCO SYSTEM (Đồng Nai) hỏi: Xin hỏi về những vướng mắc như giấy tờ, thủ tục của cơ quan nhà nước, hướng giải quyết của Bộ NNPTNT như thế nào, nhu cầu thịt lợn của Trung Quốc hiện nay như thế nào?

Ông Dương Tiến Thể trả lời: Theo chúng tôi, vướng mắc nhất trong vấn đề xuất khẩu hiện nay không phải sản phẩm mà là khâu thủ tục giấy tờ, từ cục thú ý cho đến giấy tờ hải quan để xuát khẩu.

Quay lại bài toán con lợn, khi con lợn đến tay người Trung Quốc có giá 1,75 đô, như vậy về giá chúng ta có cạnh tranh được không? Vì sao giá của người ta lại thấp như thế?

Đối với người Trung Quốc, quan trọng nhất là cơ chế thị trường, hôm nay có thể giá 10 tệ, ngày hôm sau có thể 6 tệ, đến hôm khan hàng thì giá lại tăng cao.

ông ngô thành
Ông Ngô Thành – Đại diện Công ty ABC Global

Đại diện Công ty ABC Global trả lời thêm: Đối với DN, tại sao chúng tôi phải sang nước ngoài mua hàng? Nguyên do là vì không kiếm được một nhà máy có thể cấp đông đủ số lượng lợn mà chúng tôi cần. Thịt lợn cấp đông phải đảm bảo -18 độ C và phải được cắm điện 6-8 tiếng/ngày.

Hệ thống kho bãi, hệ thống cấp đông, hệ thống nhà máy của mình như thế nào là những vấn đề hạn chế cần xem xét. Chúng tôi sẵn sàng bao tiêu 100 container trong 1 tháng nhưng phải tìm được hệ thống kho bãi, hệ thống cấp đông, hệ thống nhà máy.

Cũng về vấn đề này, ông Nhữ Đình Tú – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lebio Nhữ Đình Tú chia sẻ thêm: Hiện tại công ty tôi vẫn thu mua lợn của bà con nông dân với giá 35.000 đồng/kg. Sản phẩm do công ty sản xuất vẫn bán rất chạy. Dưới góc độ doanh nghiệp chúng tôi nhận thấy giá lợn giảm do chăn nuôi tự phát của bà con nông dân. Nhà nước có kiểm soát nhưng không thể hết. Do chăn nuôi tự phát nên cung vượt quá cầu.

10h15

Ông Nguyễn Văn Mỹ – Giám đốc Đại diện Thương mại và Kỹ thuật Ayurvet (Công ty TNHH MTV AVAC Việt Nam) cho rằng, các nước khác, họ cũng chịu chi phí trên đường khi xuất lợn. Tôi muốn hỏi Công ty ABC Global xem đơn vị có cách nào giảm chi phí, giá thành khi xuất lợn để có cơ hội cạnh tranh với các nước khác?

Ông Ngô Thành- Tổng Giám đốc Công ty ABC Global cho biết: “Dưới góc nhìn doanh nghiệp, điều chúng tôi quan tâm không phải hàng này xuất xứ ở đâu, mà phải căn cứ vào yêu cầu của khách hàng, như 1 tháng phải ổn định được 1 container, vòng quay 3 tháng.

Tôi đã trực tiếp sang Thái Lan làm việc với một số công ty trực thuộc CP, thời điểm khi hàng của tôi từ châu Âu chưa về, tôi phải vận chuyển thịt lợn từ Thái Lan đi Trung Quốc. Mấu chốt ở đây là sản phẩm của chúng ta không đáp ứng được tiêu chuẩn của họ. Người ta cần thịt đông lạnh, chứ không cần con lợn hơi. Trong khi đó, tiêu chuẩn xuất lợn sống hà khắc hơn nhiều so với xuất đông lạnh.

Trả lời tiếp về vấn đề này, ông Tông Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đặt câu hỏi cho ông Ngô Thành: “Công ty anh có thị trường tại sao không xây dựng hệ thống chế biến thịt lợn đông lạnh trong nước?”.

Ông Ngô Thành nói tiếp: “Việc này rất hay, nhưng bài toán đó sẽ giải quyết sau, bởi bản thân công ty tôi cũng đang thiếu đầu vào. Vấn đề bây giờ là làm thế nào có hệ thống đồng bộ tạo sản phẩm đạt tiêu chuẩn Trung Quốc”.

10h20

ông vũ văn tám
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám đang giao lưu trực tiếp với bạn đọc Dân Việt qua điện thoại.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết:

Tôi vừa cùng đoàn công tác của Bộ NNPTNT làm việc và khảo sát ở một số công ty tại Đồng Nai và làm việc với UBND Đồng Nai, phối hợp với một số công ty lớn của TP.HCM tìm giải pháp giải cứu đàn lợn. Thực tế cho thấy người chăn nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn, trong hoàn cảnh này, chúng tôi rất đề cao sự sáng tạo của người chăn nuôi khi đã chủ động phối trộn thức ăn để giảm chi phí, tiến hành giảm đàn nái thậm chí 30 – 40% số lượng đàn, đồng thời tăng cường chất lượng sản phẩm chăn nuôi.

Tỉnh Đồng Nai đã có kinh nghiệm giải cứu chuối và một số mặt hàng khác giúp nông dân, và hiện nay Hội Chăn nuôi Đồng Nai đang đứng ra làm đầu mối trực tiếp giết mổ, thu mua lợn quá lứa, với giá cao và bán trực tiếp cho các khu công nghiệp và công nhân.

Sáng nay, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục hỗ trợ chi phí để bà con tiêm phòng cho đàn lợn. Chiều nay, đoàn công tác của Bộ sẽ tiếp tục làm việc với TP. HCM để bàn giải pháp tăng cường tiêu thụ thịt lợn cho bà con nông dân, trong đó có Đồng Nai – thủ phủ của ngành chăn nuôi lợn.

10h35

Thứ trưởng Vũ Văn Tám trả lời:

Đến nay chúng ta chưa có chuẩn bị phương án cho tình hình cấp bách như hiện nay. Nếu mở rộng cơ sở vật chất, giết mổ cấp đông thì cần có thời gian. Nhưng không phải là chúng ta không có giải pháp khả thi. Sáng nay chúng tôi có làm việc với Vissan và được biết công ty này có kế hoạch giết mổ 1.500 con lợn, hiện tại đã cấp đông 200 con và có kế hoạch tăng thêm 100 con/ngày.

Con số này còn rất khiêm tốn so với số lượng lợn dư thừa hiện nay, nhưng trên địa bàn không chỉ có kho của Vissan, mà còn nhiều doanh nghiệp khác ở các lĩnh vực thực phẩm, thuỷ sản. Do đó chúng ta cần sự liên kết của doanh nghiệp.

TS Trần Duy Khanh là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đặt câu hỏi cho Thứ trưởng: Ngày hôm qua tôi được biết thông tin Hà Nội có kế hoạch giảm đàn lợn nái, chu kỳ giảm nái phải mất một năm. Theo kinh nghiệm của tôi từ các sản phẩm nông sản khác trước đó, lỡ may 1-2 tháng tới giá lợn tăng trở lại thì chúng ta không có thịt lợn bán thì sao, Thứ trưởng nghĩ sao về vấn đề này?

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám trả lời: Giảm đàn lợn nái là một trong những giải pháp mà Bộ đã đề ra. Bộ NNPTNT có khuyến cáo các hộ nuôi, DN trên cả nước giảm đàn nái, tuy nhiên việc giảm đàn nái ở đây không có nghĩa là phải giảm ngay lập tức, và việc giảm nái cũng phải có lựa chọn kỹ càng. Đó là ưu tiên giảm nái chất lượng kém, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Hiện nay cả nước có 4,1 triệu nái, song theo tính toán của Bộ NNPTNT, chúng ta chỉ cần 3 triệu lợn nái có chất lượng và sẽ đảm bảo sinh sản tốt như 4,2 triệu lợn nái hiện nay. Bộ cũng đã có kế hoạch đến năm 2019, sẽ giảm đàn nái còn 3 triệu con.

10h40

Bạn đọc Lê Văn Tăng – Đồng Nai phản ánh tình trạng bơm nước vào thịt lợn còn rất lớn, Bộ NNPTNT có giải pháp gì để xử lý triệt để tình trạng này? Để giải cứu đàn lợn, chúng ta nên có quy định các công ty thức ăn chăn nuôi áp giá sàn thức ăn nhằm chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi?

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Võ Văn Tám trả lời: Nhà nước nghiêm cấm việc bơm nước vào thịt lợn, Bộ NNPTNT đã có chỉ đạo và chế tài quản lý, nghiêm cấm việc bơm nước vào thịt lợn. Điều quan trọng là các địa phương phải tăng cường thanh tra, kiểm tra tình trạng nuôi lợn trên địa bàn. Theo tôi, để hiệu quả chúng ta nên thanh tra, kiểm tra đột xuất và công khai các trường hợp vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Về câu hỏi thứ hai, đề xuất giải pháp giảm vật tư đầu vào – đây là một trong những giải pháp đề xuất cấp bách nhằm giải cứu ngành chăn nuôi lợn. Bộ NNPTNT trình bày Thủ tướng. Ngày 24.4 vừa , Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã có buổi họp làm việc với 10 doanh nghiệp lớn về hỗ trợ, giải cứu người chăn nuôi lợn. Sau đó, có 5 doanh nghiệp lớn đã giảm giá thức ăn từ 200 – 300 đồng/kg, tính ra trong 1 tháng, 5 doanh nghiệp này sẽ giảm 100 tỷ đồng doanh thu từ bán thức ăn. Chiều nay 28.4, Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường sẽ có cuộc họp với bộ ngành đề ra các giải pháp quyết liệt cho bà con trong đó có giải pháp đề xuất ngân hàng giãn nợ, khoanh nợ cho người chăn nuôi lợn.

10h45

Bạn đọc Lý Kim Cúc hỏi: Một trong các giải pháp mà Bộ NNPTNT đề xuất mới đây có giải pháp khoanh nợ, giãm nợ cho các hộ nuôi, cụ thể giải pháp này sẽ được triển khai thế nào, tại sao nước ta không áp việc giảm giá cám?

Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi: Mấy hôm nay Bộ NNPTNT và đứng đầu là Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã có chỉ đạo quyết liệt để có giải pháp cấp bách trước mắt cũng như giải pháp lâu dài để giải quyết tình trạng khủng hoảng giá lợn. Một trong những giải pháp Bộ NNPTNT đề xuất, đó là hỗ trợ giải quyết khó khăn cho bà con chăn nuôi, các DN, tổ chức kinh tế hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, đó là khoanh nợ, giãn nợ các khoản vay của ngân hàng thương mại. Đây là vấn đề ngoài phạm trù xử lý của Bộ NNPTNT, do đó Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã báo cáo và có đề xuất Chính phủ giải pháp này để Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan nghiên cứu xử lý.

Chiều nay Bộ NNPTNT cũng sẽ tổ chức cuộc họp giữa các bộ ngành liên quan và có đại diện của Chính phủ tham gia bàn thực hiện các giải pháp cấp bách.

Về áp giá trần, giá sàn mặt hàng thức ăn chăn nuôi, đây cũng là một giải pháp nhưng theo tôi không thể áp dụng cho toàn bộ các mặt hàng. Bộ NNPTNT không có chức năng xử lý vấn đề này nên chúng tôi không bình luận gì thêm.

10h50

tọa đàm giải cứu ngành chăn nuôi
Các khách mời chăm chú theo dõi tọa đàm

11h00

Ông Nguyễn Đình Lợi (hộ chăn nuôi đến từ Cát Quế, Hoài Đức, Hà Nội) cho biết: Hiện giá lợn tại địa phương rất rẻ chỉ 15.000 đồng/kg. Giá vô cùng rẻ nhưng bán rất khó. Ông Lợi nói: “Hộ nhà tôi có 100 con lợn, không may giờ rẻ quá, vay ngân hàng rất nhiều. Chúng tôi mong muốn làm sao nhà nước có giải pháp nào giãn nợ, tiêu thụ lợn cho người chăn nuôi thoát khỏi khó khăn hiện nay?”

Trả lời câu hỏi của ông Lợi, ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay: ngày 24.4 Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì họp với 10 doanh nghiệp lớn sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng như chăn nuôi theo chuỗi. Đây là các doanh nghiệp hàng đầu lĩnh vực này tại Việt Nam. Đã có 5 công ty hưởng ứng kêu gọi của Bộ trưởng, giúp bà con nông dân. Các doanh nghiệp này đã giảm giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp cho lợn là từ 200-300 đồng/kg, trong tháng 5 doanh nghiệp này sẽ giảm tổng khoảng 100 tỷ đồng cho bà con nông dân.

Hy vọng thời gian tới, các doanh nghiệp tiếp tục chia sẻ khó khăn với bà con nông dân. Chiều nay, Bộ trưởng Cường họp với Thủ tướng Chính phủ và các ban ngành, sẽ tháo gỡ khó khăn, giảm bớt gánh nặng bà con nông dân.

Vấn đề giảm đàn nái xuống, không có nghĩa cắt ngay đi được, phải có thời gian. Lộ trình 2019, giảm đàn nái còn 3 triệu con, áp dụng khoa học cao, nâng cao năng suất sinh sản. Tạo đàn giống chất lượng, không sử dụng con lái thương phẩm làm giống.

Theo các vị đại biểu, đại diện Bộ ngành, trong lúc này bà con cần bình tĩnh xử lý, cố gắng duy trì chăn nuôi. Được biết, sáng nay Chính phủ đã họp với các bộ ngành bàn giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, ổn định tình hình phát triển chăn nuôi.

Hi vọng các giải pháp sẽ nhanh chóng được áp dụng và góp phần chặn đà giảm của giá lợn. Điều quan trọng là giai đoạn này bà con cần kiểm soát dịch bệnh không để dịch bệnh lây lan.

Đây cũng là dịp để bà con tính toán, tái cơ cấu lại việc chăn nuôi trong tương lai theo hướng bền vững, hiệu quả.

Sau hơn 2 tiếng diễn ra, cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề “Giải cứu ngành chăn nuôi lợn” đã kết thúc với gần một nghìn câu hỏi từ bạn đọc quan tâm. Tuy nhiên vì thời lượng chương trình có hạn nên chúng tôi xin được giải đáp sau.

Trân trọng cảm ơn quý bạn đọc đã nhiệt tình tham gia và gửi câu hỏi tới chương trình!

Theo: Dân Việt/ NTNN

Cùng danh mục

Filed in: Tin tức về lợn rừng

Bình luận

Gửi bình luận

Trang Trại Lợn Rừng DTH